Nội Dung Chính
THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 02/2000/TT-TCHQ NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GỖ, LÂM SẢN XUẤT KHẨU VÀ NGUYÊN LIỆU GỖ, LÂM SẢN NHẬP KHẨU
Căn cứ Quyết định 65/1998/QĐ-TTg ngày 24.3.1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản và nhập khẩu nguyên liệu gỗ, lâm sản.
Căn cứ Quyết định 136/1998/QĐ-TTg ngày 31.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số quy định về thủ tục xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản.
Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục hướng dẫn thủ tục hải quan như sau:
-
ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GỖ VÀ LÂM SẢN XUẤT KHẨU:
Khi làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu, ngoài việc nộp bộ hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 01/1999/TT-TCHQ ngày 10.5.1999 của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình các giấy tờ cụ thể như sau:
1/ Đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu được sản xuất từ gỗ rừng tự nhiên trong nước:
1.1 Xuất trình văn bản (bản chính) phân bổ hạn mức gỗ của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hoặc Lãnh đạo Bộ, Ngành trung ương, để Hải quan lập phiếu theo dõi trừ lùi.
Đối với các sản phẩm được chế biến từ nguồn gốc phế liệu gỗ rừng tự nhiên trong nước được Hải quan trừ lùi vào văn bản phân bổ hạn mức gỗ rừng tự nhiên của doanh nghiệp.
1.2 Nộp bản xác định định mức tiêu hao nguyên liệu do giám đốc doanh nghiệp ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức.
Trường hợp sản phẩm xuất khẩu được sản xuất bằng ván nhân tạo, khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp không phải xuất trình thêm bất cứ giấy tờ gì.
2/ Đối với sản phẩm gỗ mỹ nghệ được sản xuất từ nguồn gốc gỗ rừng trồng (kể cả gỗ vườn, gỗ cây trồng phân tán, gỗ cao su, ván nhân tạo) doanh nghiệp chỉ cần khai báo với Hải quan cửa khẩu về chủng loại gỗ, tên hàng, số lượng sản phẩm để Hải quan làm thủ tục xuất khẩu theo quy định. Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo nguồn gốc gỗ của mình.
3/ Đối với sản phẩm gỗ, lâm sản được sản xuất từ nguyên liệu gỗ và lâm sản nhập khẩu hợp pháp:
3.1 Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu gỗ trực tiếp để tự sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu:
3.1.1 Xuất trình tờ khai hải quan nhập khẩu gỗ, lâm sản (đã được Hải quan cửa khẩu nhập xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan) để Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lập phiếu theo dõi trừ lùi theo quy định.
Nếu sản phẩm gỗ xuất khẩu được sản xuất từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu mua lại của các doanh nghiệp khác thì nộp hợp đồng mua bán gỗ (trong đó ghi rõ khối lượng gỗ (m3) theo Tờ khai số…ngày…tháng…năm, nơi Hải quan làm thủ tục nhập khẩu) để cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lập phiếu theo dõi trừ lùi.
3.1.2 Nộp bản xác nhận định mức tiêu hao nguyên liệu do giám đốc doanh nghiệp ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức.
Đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ ván nhân tạo và gỗ cao su nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan doanh nghiệp không phải xuất trình các giấy tờ trên.
3.2 Đối với các sản phẩm gỗ, lâm sản được sản xuất từ nguyên liệu gỗ, lâm sản do doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu:
– Nộp bản sao Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan (do doanh nghiệp được ủy thác nhập khẩu xác nhận, tên doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu tại ô số 3 của Tờ khai nhập khẩu phải đúng với tên doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gỗ).
– Nộp bản định mức tiêu hao nguyên liệu do giám đốc ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức.
3.3 Đối với sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn gốc gỗ bao bì nhập khẩu:
– Nộp hợp đồng mua bán gỗ hoặc hóa đơn bán hàng của đơn vị có nguồn gốc gỗ bao bì nhập khẩu và văn bản cam kết về nguồn gốc gỗ. Trường hợp thu mua gom lẻ nhiều lần thì doanh nghiệp lập Bản kê khai và ký xác nhận tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc gỗ.
– Nộp bản định mức tiêu hao nguyên liệu do Giám đốc doanh nghiệp ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức.
-
ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GỖ PƠMU TỒN ĐỌNG, SẢN PHẨM GỖ ĐƯỢC CHẾ BIẾN TỪ GỖ PƠMU TỒN ĐỌNG VÀ TỪ GỖ PƠMU BỊ TỊCH THU ĐÃ XỬ LÝ:
1/ Đối với sản phẩm gỗ pơmu tồn đọng tại thời điểm kiểm kê theo Quyết định 821/TTg ngày 06.11.1996:
Nộp bản sao (có xác nhận của giám đốc doanh nghiệp) biên bản kiểm kê liên ngành (Kiểm lâm – Công an – Hải quan) tại thời điểm kiểm kê gỗ pơmu tồn đọng theo Quyết định 821/TTg ngày 06.11.1996 của Thủ tướng Chính phủ.
2/ Đối với sản phẩm gỗ pơmu được sản xuất từ gỗ pơmu nguyên liệu tồn đọng:
– Nộp bản sao (có xác nhận của giám đốc doanh nghiệp) biên bản kiểm kê liên ngành (Kiểm lâm – Công an – Hải quan) tại thời điểm kiểm kê gỗ pơmu tồn đọng theo Quyết định 821/TTg ngày 06.11.1996 của Thủ tướng Chính phủ.
– Nộp bản định mức tiêu hao nguyên liệu do giám đốc doanh nghiệp ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức.
3/ Đối với sản phẩm gỗ pơmu được sản xuất từ gỗ pơmu khai thác lậu, buôn lậu bị tịch thu và đã được xử lý theo quy định hiện hành:
– Nộp bản sao Quyết định xử lý của UBND tỉnh hoặc Chi cục kiểm lâm (giám đốc doanh nghiệp ký xác nhận và chịu trách nhiệm).
– Nộp bản sao (xuất trình bản chính) biên bản bán đấu giá, hợp đồng mua bán gỗ (trong đó có ghi rõ khối lượng m3 gỗ), để Hải quan lập phiếu theo dõi trừ lùi.
– Nộp bản định mức tiêu hao nguyên liệu (do giám đốc doanh nghiệp ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của định mức).
4/ Sản phẩm gỗ pơmu xuất khẩu nêu tại điểm2, điểm3 mục II Thông tư này phải đảm bảo đúng quy định tại Quyết định 65/1998/QĐ-TTg ngày 24.3.1998 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản 5986/KTN ngày 26.11.1996 của Văn phòng Chính phủ.
III. ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GỖ VÀ LÂM SẢN XUẤT KHẨU THEO ĐƯỜNG PHI MẬU DỊCH:
1/ Sản phẩm gỗ và lâm sản không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, đã và đang sử dụng trong quá trình sinh hoạt, làm việc tại Việt nam của các đối tượng là người nước ngoài khi hết nhiệm kỳ công tác về nước, được xuất khẩu theo quy định về tài sản di chuyển, nếu mới mua trước khi về nước với số lượng đơn chiếc, đơn bộ, Hải quan cửa khẩu giải quyết thủ tục xuất khẩu.
2/ Khách du lịch nước ngoài khi về nước, khách du lịch Việt nam ra nước ngoài, cán bộ Việt nam đi học tập, công tác được mang theo hành lý những vật phẩm bằng sản phẩm gỗ hoặc lâm sản không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, với số lượng đơn chiếc, đơn bộ.
3/ Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mới được chế biến từ gỗ, lâm sản dưới hình thức chào hàng, quà biếu tặng, không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, Hải quan cửa khẩu xem xét cho xuất khẩu với số lượng là đơn chiếc, đơn bộ đối với từng loại sản phẩm. Doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Hải quan hóa đơn kiêm phiếu xuất kho và Giấy phép thành lập doanh nghiệp (bản sao có chữ ký, xác nhận).
-
ĐỐI VỚI VIỆC NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU GỖ VÀ LÂM SẢN:
1/ Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu được nhập khẩu gỗ, lâm sản các loại để sản xuất và kinh doanh.
2/ Gỗ tròn nhập khẩu từ Lào và Campuchia phải có dấu búa kiểm lâm của nước xuất khẩu; Nếu là gỗ xẻ đã qua chế biến từ gỗ tròn thì chỉ cần có Bản kê khai khối lượng (theo kích cỡ) không phải có dấu búa.
3/ Gỗ nhập khẩu từ Campuchia thực hiện theo quy chế riêng của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.
-
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế các văn bản trước đây của Tổng cục Hải quan (phụ lục số 1 kèm theo).
Yêu cầu Lãnh đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền yêu cầu báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan để được điều chỉnh cho phù hợp.
Nguyễn Ngọc Túc
(Đã ký) |