Nội Dung Chính
Nông sản Việt bất lợi vì chi phí logistics quá cao
Hạ tầng logistics yếu kém đã làm mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này của Thái Lan chỉ 12,5%. Việc kéo giảm chi phí logistics chính là đòn bẩy để gia tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản của vùng.
Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí logistics cao
Tại cuộc toạ đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL” do Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hậu Giang tổ chức ngày 9-4 ở tỉnh Hậu Giang. Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết chỉ riêng thị trường Mỹ, cước vận chuyển trái cây tươi hiện ở mức 6-6,2 đô la Mỹ/kg, tăng gấp đôi so với trước đó.
Theo bà Vy, thực trạng cước phí logistics cao hiện nay đã tạo ra điểm nghẽn rất lớn đối với sản phẩm trái cây tươi. Mà cụ thể lượng hàng xuất khẩu đang có chiều hướng giảm dần. “Dưới góc nhìn của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trái cây tươi, theo tôi, cần phải đẩy mạnh cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch”. Bà Vy cho biết và phân tích thêm, điều này sẽ giúp đảm bảo trái cây đi được bằng đường biển với chi phí thấp hơn 15 lần so với đường hàng không.
Bà Lê Thị Thu Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh (Hậu Giang) cho rằng, tỉnh Hậu Giang nằm xa các cảng chính của cả nước như cảng Sài Gòn và Cát Lái (TPHCM). Cho nên, ngoài việc quãng đường xa làm gia tăng chi phí vận chuyển container lạnh, thì thời gian di chuyển dài 6-7 giờ, thậm chí 8-9 giờ đồng hồ. khi xảy ra ùn tắc giao thông cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hạnh Nguyên Logistics, người có trên 10 năm làm việc trong ngành chế biến rau quả xuất khẩu cho rằng, chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này tại Thái Lan chỉ 12,5% và con số bình quân toàn cầu là 14%. “Chi phí cao đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia”, ông Hoài dẫn chứng.
Điều này xuất phát từ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, từ trồng trọt đến xuất khẩu phải qua rất nhiều khẩu trung gian. “Ví dụ, trái khóm Cầu Đúc, ban đầu nông dân mua giống và vật tư về trồng trong vườn, đến khi thu hoạch phải chở đến vựa phân loại, đóng gói rồi vận chuyển đến nhà máy chế biến. Tại đây, tiếp tục phân loại, rửa, đóng gói và đem đi chiếu xạ làm sạch. Sau đó, bảo quản trong kho hoặc xuất thông qua cảng biển, đường hàng không hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc”, ông Hoài dẫn chứng.
Việc phải chịu mức chi phí logistics quá lớn khiến nông sản ĐBSCL rất khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đẩy mạnh hạ tầng để kéo giảm chi phí logistics
“Hệ thống hạ tầng của vùng ĐBSCL là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng vẫn phải nói. Bởi, đây là vùng có hệ thống hạ tầng được xem là vùng trũng của cả nước. Đây là điều thiếu công bằng, bởi chúng ta lo an ninh lương thực cho cả nước, thì lẽ ra phải được bù đắp bằng một nguồn lực khác”, ông Lê Tiến Châu nói. |
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng sau khi có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thì hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng đã có sự khởi sắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu và sự phát triển chung của cả nước.
Ông Châu phân tích ĐBSCL có 3 trung tâm về logistics nhưng không đáp ứng được yêu cầu; hàng hoá chuyển đến để sơ chế, chế biến và bảo quản xuất khẩu phải qua quá nhiều công đoạn. Cả hai yếu tố này cộng lại làm nông sản của vùng bị mất lợi thế cạnh tranh.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cao cấp thị trường Việt Nam của JLL cho rằng, trong 30% giá thành sản phẩm mà chi phí logistics chiếm, thì một nửa nằm ở chi phí vận chuyển và một nửa nằm ở hệ thống kho bãi. Vì vậy, để giải bài toán chi phí logistics, thì việc liên kết vùng phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng vận chuyển và hạ tầng kho bãi cần phải đẩy mạnh”, bà Trang Bùi cho biết.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), thời gian qua, chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp, đặc biệt rau quả có rất nhiều điểm nghẽn, trong đó, đầu tiên là giao thông. “Việc này, không cách nào khác, Chính phủ phải tham gia đầu tư và hiện nay, từ sau khi có Nghị quyết 120, Chính phủ đã có quan tâm đầu tư mạnh hơn”, ông cho biết và kỳ vọng, trong nhiệm kỳ này, bức tranh về giao thông của vùng sẽ được cải thiện.
Lối thoát của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Về logistics, theo ông Lam, hiện nay vùng có 3 trung tâm lớn. Nhưng kể cả khi 3 trung tâm này đưa vào vận hành, thì cũng không đáp ứng được nhu cầu. “Trong bối cảnh như vậy, việc Đồng Tâm Long An bắt tay vào làm một cụm cảng rất lớn (ở tỉnh Long An), thì ĐBSCL đã có lối thoát”, ông cho biết và nói rằng. Nhà nước chỉ nên hoạch định quy hoạch và đưa ra định hướng, còn thực hiện, doanh nghiệp làm sẽ tốt hơn.
Ông Lam tin rằng, cùng với việc giao thông của vùng được Chính phủ đầu tư. Trong khi các điều kiện hạ tầng khác được doanh nghiệp đẩy mạnh, thì điểm yếu của ngành nông sản nói chung và trái cây nói riêng sẽ được khắc phục.
Bestcargo hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn!