Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sader) Mexico cho biết, quốc gia này hiện dẫn đầu thế giới về trồng và xuất khẩu trái bơ, chiếm tới 1/3 thị trường bơ toàn cầu.
Số liệu mới nhất do Sader công bố cho thấy, xuất khẩu bơ của Mexico đã tăng từ 41.118 tấn năm 1999 lên 1,1 triệu tấn trong vụ mùa 2021.
Nhờ chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, cũng như giá “vàng xanh” trên thị trường thế giới ngày một đắt đỏ, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021 kim ngạch xuất khẩu bơ của Mexico đã đạt xấp xỉ 2,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của loại trái cây này, với mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 500 gram lên 3,5 kg/năm. Ngoài Mỹ, trái bơ Mexico đã có mặt tại 33 quốc gia khác, trong đó có Canada, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức, Mexico có 241.000 ha diện tích trồng bơ, năm 2020 đạt năng suất 2,4 triệu tấn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp trồng bơ xuất khẩu của Mexico chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, 64% nhà sản xuất loại trái cây này chỉ sở hữu diện tích canh tác từ 1-10 ha.
Năm 1997, Mexico thành lập Hiệp hội Sản xuất và Đóng gói Xuất khẩu Bơ (APEAM), đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong ngành công nghiệp “vàng xanh”. Khi mới được thành lập, thành viên của APEAM chỉ có 5 doanh nghiệp đóng gói, 50 nhà sản xuất và 51 nhà vườn. Đến nay, APEAM đã có 30.000 nhà sản xuất và 68 công ty đóng gói thành viên.
Thành công của ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu bơ của Mexico có sự đóng góp rất lớn của APEAM. Sau 24 năm hoạt động, tổ chức này đã trở thành đại diện xuất khẩu bơ lớn nhất của Mexico, đem lại khoảng 400.000 việc làm, trong đó có cả các cộng đồng bản địa.
Việc này cũng góp phần tăng cường chuỗi giá trị và sản xuất theo hướng tích cực, bởi nhờ đó mà tình trạng di cư tại khu vực đã phần nào thuyên giảm, trong khi đời sống của người trồng bơ được cải thiện đáng kể.
Chuỗi liên kết giữa nông dân, các nhà chế biến và phân phối cũng góp phần bảo đảm canh tác bền vững. APEAM thực hiện nghiên cứu môi trường để cải thiện hiệu quả sử dụng đất, đồng thời yêu cầu các trang trại chỉ sử dụng nước mưa để tưới cây.
Cây bơ không cần nhiều nước và cũng không phải loại cây thâm canh, do đó người nông dân vẫn có thể tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao mà không làm cạn kiệt nguồn nước tại địa phương.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của APEAM trong việc “phủ sóng” thương hiệu bơ Mexico ra toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Gabriel Villaseñor Zurita cho biết, APEAM đã triển khai nhiều chương trình quảng bá tại nhiều quốc gia với một khẩu hiệu duy nhất “Avocados From Mexico” (Bơ từ Mexico), nhằm biến loại trái cây này thành một biểu tượng quốc tế. Nhờ đó, vị thế của trái bơ Mexico trên toàn cầu ngày càng được nâng cao, đưa quốc gia này trở thành một trong những nước xuất khẩu bơ chính trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm APEAM dành tới 60% ngân sách marketing cho chiến dịch “Avocados From Mexico”, trong đó có những kế hoạch “hoành tráng” như rót 6 triệu USD mua quảng cáo tại Siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl, chương trình được theo dõi nhiều nhất trên truyền hình Mỹ.
Theo ResearchAndMarkets.com, thị trường bơ toàn cầu đã đạt quy mô 12,2 tỷ USD và sẽ tăng lên 17,9 tỷ USD vào năm 2025./.