Phân tích và vận dụng chuyên sâu Incoterms 2010

Nội Dung Chính

Giới thiệu về Incoterms 2010

INCOTERMS là những điều khoản thiết yếu trong hoạt động thương mại quốc tế, nó qui định chi tiết trách nhiệm của người bán, người mua và thời điểm chuyển giao rủi ro giữa người mua và người bán. Incoterms 2010 là phiên bản mới nhất của Incoterm, được Phòng thương mại Quốc tế (ICC) ở Paris, Pháp và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011. Incoterms của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) là sách gối đầu giường của các doanh nhân, doanh nghiệp khắp thế giới. 10 năm đã qua kể từ khi Incoterms 2000 có hiệu lực, môi trường kinh doanh toàn cầu, tập quán thương mại quốc tế, vận tải, công nghệ thông tin, vấn đề an ninh… đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, một trong những vấn đề được Incoterm quan tâm là trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, lĩnh vực này đã được Incoterm quy định rất cụ thể trong từng thủ tục, quá trình vận chuyển hàng hóa. Để hiểu rõ hơn về các quy định cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã được incoterm quy định ra sao? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Các điều khoản của Incoterm 2010. Incoterm 2010 bao gồm 11 điều kiện được chia thành hai nhóm riêng biệt:

Các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải (vận tải biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, đa phương thức)

EXW: Giao tại xưởng

FCA: Giao cho người chuyên chở

CPT: Cước phí trả tới

CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới

DAT: Giao tại bến

DAP: Giao tại nơi đến

DDP: Giao hàng đã nộp thuế

Các điều kiện áp dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa

FAS: Giao dọc mạn tàu
FOB: Giao lên tàu

CFR: Tiền hàng và cước phí

CIF: Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí

Nhóm thứ nhất gồm bảy điều kiện có thể sử dụng mà không phụ thuộc vào phương thức vận tải lựa chọn và cũng không phụ thuộc vào việc sử dụng một hay nhiều phương thức vận tải. Nhóm này gồm các điều kiện EXW, FCA, CPT, CIP, DAT, DAP, DDP. Chúng có thể được dùng khi hoàn toàn không có vận tải biển. Tuy vậy, nên nhớ rằng các điều kiện này cũng có thể được sử dụng khi một phần chặng đường được tiến hành bằng tàu biển.

Trong nhóm thứ hai, địa điểm giao hàng và nơi hàng hóa được chở tới người mua đều là cảng biển, vì thế chúng được xếp vào nhóm các điều kiện “đường biển và đường thủy nội địa”. Nhóm này gồm các điều kiện FAS, FOB, CFR và CIF. Ở ba điều kiện sau cùng, mọi cách đề cập tới lan can tàu như một điểm giao hàng đã bị loại bỏ. Thay vào đó, hàng hóa xem như đã được giao khi chúng đã được “xếp lên tàu”. Điều này phản ánh sát hơn thực tiễn thương mại hiện đại và xóa đi hình ảnh đã khá lỗi thời về việc rủi ro di chuyển qua một ranh giới tưởng tượng.

So sánh Incoterms 2010 với Incoterms 2000

Trên cơ sở áp dụng các điều khoản đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Giống nhau

– Có 07 điều kiện thương mại: EXW, FAS, FOB, CFR, CIF, CPT, CIP
– Khuyến cáo áp dụng phương tiện thủy đối với các điều kiện: FAS, FOB, CFR, CIF
– Áp dụng với các loại phương tiện vận tải và vận tải đa phương thức đối với các điều kiện: CPT, CIP, DDP
– Cả Incoterms 2000 và Incoterms 2010 đều không phải là luật. Các bên có thể áp dụng hoàn toàn, hoặc có thể áp dụng một phần, nhưng khi áp dụng ghi rõ trong hợp đồng ngoại thương, những điều áp dụng khác đi nhất thiết phải mô tả kỹ trong hợp đồng ngoại thương.

Khác nhau

Một trong những sửa đổi quan trọng trong phiên bản  Incoterms 2010 là bỏ 4 điều khoản (DAF, DES, DEQ và DDU) và đưa vào 2 điều khoản mới (DAP – Delivered at Place và DAT – Delivered at Terminal). Sự thay đổi này bắt nguồn từ xu hướng vận chuyển hàng hóa bằng container ngày càng chiếm tỷ trọng quan trọng trong giao thương và dường như các nhà soạn thảo quy tắc cũng lo lắng với tình trạng các bên giao dịch thường chọn “nhầm” điều khoản hoặc lẫn lộn các điều khoản, dẫn đến các hợp đồng có nội dung mâu thuẫn hoặc không rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Điều kiện DAT của Incoterms 2010 áp dụng khi hàng hóa được giao vào quyền định đoạt của người mua tại ga, trạm xác định tại cảng hoặc tại điểm đích chưa được dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải đến. Điều khoản DAT của Incoterm 2010 thay thế cho điều khoản DEQ trước đó của Incoterms 2000 vốn chỉ phù hợp cho hàng nguyên liệu. Incoterms 2000 không có giải pháp thỏa đáng cho các điều khoản “D” đối với trường hợp hàng hóa được giao mà chưa dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải đến tại trạm, ga . Điều khoản mới DAT của Incoterm 2010 (Delivered at Terminal) đã giải quyết được vấn đề này và bao gồm tất cả các trường hợp trước đó được qui định bởi điều khoản DEQ. “Trạm xác định” trong điều khoản DAT có thể là cầu cảng tại cảng dỡ hoặc trạm container tại cảng dỡ.
Điều kiện DAP trong Incoterms 2010 bao gồm tất cả các trường hợp người bán giao hàng cho người mua trên phương tiện vận tải đến mà chưa dỡ hàng xuống, là những trường hợp trước đó được qui định bởi các điều khoản DAF, DES cũng như tất cả các trường hợp giao hàng tại cơ sở của người mua hay điểm đích nào khác tại nước của người mua mà trước đó được qui định bởi điều khoản DDU. Đối với điều khoản DAP, “phương tiện vận tải đến” cũng có thể là một con tàu, và “điểm đích xác định” có thể là cảng dỡ. Thứ hai, phân bổ các nghĩa vụ tương ứng của các bên (vận chuyển, chủ hàng, …) trong việc cung cấp hoặc hỗ trợ để lấy được các chứng từ và thông tin cần thiết nhằm thông quan liên quan đến an ninh. Các phiên bản Incoterms trước đây không yêu cầu chi tiết về mức độ hợp tác như vậy.

Thứ ba, 11 điều khoản được chia làm 2 loại điều khoản thay vì 04 loại như Incoterms 2000:
– Giao hàng bằng bất kỳ phương thức vận tải nào (vận tải biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, đa phương thức) – EXW, FCA, CPT, CIP, DAP, DAT và DDP; và
– Giao hàng bằng vận tải đường biển/ đường thủy nội địa – FAS, FOB, CFR và CIF.

Thứ tư, trách nhiệm đối với các khoản phí xếp hàng tại ga, trạm được phân bổ rõ ràng. Trong trường hợp người bán phải thuê và thanh toán cho việc vận chuyển hàng hóa đến một điểm đích nhất định (CIP, CPT, CFR, CIF, DAT, DAP và DDP), có thể các chi phí bốc xếp hàng hóa đã được chuyển sang cho người mua thông qua giá cả của hàng hóa. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong một số trường hợp, người mua vẫn có thể phải thanh toán khoản này cho nhà ga (tức là chịu phí hai lần). Incoterms 2010 đã cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí ở ga, trạm.

Thứ năm, trong quá trình mua bán hàng hóa hiện nay, thường có trường hợp hàng hóa được bán tiếp một vài lần trong quá trình vận chuyển (tức là bán dây chuyền, hay bán hàng trong quá trình vận chuyển). Trong trường hợp như vậy, người bán ở giữa dây chuyền không phải là người gửi hàng đi, vì hàng đã được gửi đi bởi người bán ở đầu dây chuyền. Do đó, nghĩa vụ của người bán ở giữa dây chuyền là mua hàng hóa mà đã được gửi đi. Incoterms 2010 làm rõ điều này bằng cách cho thêm cụm từ “nghĩa vụ mua hàng hóa đã được gửi đi” như một nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ gửi hàng. Điều này phù hợp với các trường hợp FAS, FOB, CFR và CIF vì về nguyên tắc nó chỉ có thể được thực hiện khi sử dụng vận đơn hay một chứng từ sở hữu có tính chất tương đương.

Thứ sáu, trong Incoterms 2010, các điều khoản FOB, CFR và CIF của Incoterms đều bỏ phần nói đến lan can tàu như là điểm giao hàng, thay vào đó là nói đến hàng được giao “on board” (xếp lên tàu/ lên boong).

Thứ bảy, Incoterms 2010 sử dụng cụm từ “đã được đóng gói”. Từ này được sử dụng cho các mục đích khác nhau: (1) Đóng gói hàng hóa theo yêu cầu trong hợp đồng mua bán; (2) đóng gói hàng hóa sao cho phù hợp với việc vận chuyển (3) việc xếp hàng đã đóng gói trong container hay các phương tiện vận tải khác. Trong Incoterms 2010, đóng gói có cả hai nghĩa thứ nhất và thứ hai nêu trên. Incoterms 2010 không đề cập đến nghĩa vụ của các bên trong việc xếp hàng vào container và do đó các bên liên quan phải thống nhất cụ thể về vấn đề này trong hợp đồng mua bán. Incoterms 2000 không có qui định rõ ràng về vấn đề này.

Kết Luận

Như vậy, theo như phân tích các điều khoản ở trên đối với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và thông qua việc so sánh với Incoterm 2000 thì Incoterms 2010 dường như đã sửa chữa được một số vấn đề khúc mắc còn vướng phải trong Incoterm 2000 và giúp cho việc vận chuyển hàng hóa bằng các phương thức nói chung và bằng đường biển nói riêng trở nên được dễ dàng hơn tránh được các tranh chấp, xung đột pháp luật.

Hãy liên hệ với bestcargo.vn khi bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về Incoterms 2010.

3.5/5 - (2 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
079.516.6689