Quy định nào quản lý “đứa con lai” codotel, officetel?
Chiều 16/1/2018, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018. Về lĩnh vực bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, tổng số dự án bất động sản hiện đang triển khai là 3.077 dự án với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng 79.943 ha đất.
Dư nợ tín dụng bất động sản đến Quý III/2017 khoảng 447. 000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng và tiêu chuẩn vay kinh doanh bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Về chương trình phát triển nhà ở, tính đến hết năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn so với năm 2016, trong năm 2017 đã hoàn thành thêm khoảng 0,19 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,49 triệu m2.
Trong năm 2017, một trọng tâm công tác của Bộ Xây dựng là theo dõi chặt diễn biến thị trường bất động sản, chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.
Nói về một xu hướng mới của thị trường bất động sản trong năm 2017, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề cập, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 300 dự án có quy mô lớn (có diện tích đô thị trên 50 ha, đất nông thôn trên 100 ha, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, quy mô căn hộ trên 1.500 căn). Cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện điều tra, nghiên cứu về loại hình bất động sản mới (condotel, officetel), báo cáo Thủ tướng và đề xuất hướng giải quyết, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các loại hình bất động sản này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, cơ cấu hàng hoá bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Một số loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shop-house… chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có biểu hiện lợi dụng, thao túng của chủ đầu tư với khách hàng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Nguyễn Trần Nam cho biết, một trong những điểm sáng của nền kinh tế 2017 là du lịch, mang lại sự phát triển bùng nổ mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Nam phân tích, theo quy hoạch ngành du lịch, năm 2016, cả nước có 420.000 buồng phòng khách sạn, theo quy hoạch, đến 2025 số buồng phòng tăng lên con số 750.000.
Tuy nhiên, tương ứng với quy hoạch này thì mục tiêu đón khách quốc tế, ngay trong năm 2017 đã đạt mục tiêu của năm 2025. Như vậy, cả nước cần thêm vài trăm buồng phòng lưu trú phải xây thêm.
Từ nhu cầu thực tế, ở các địa phương đã phát triển những dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới là condotel và villa resort. Trong 2017, có trên 22.000 căn hộ du lịch được chào bán và 12.500 căn đã bán thành công, (hơn 50%), giúp huy động những nguồn lực rất lớn từ trong dân cho phát triển.
Bất cập là thị trường đã rất sôi động trong khi trong hệ thống văn bản quy phạm chưa có quy định về những loại hình sản phẩm bất động sản này. Ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành các quy định điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh này để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.
“Không lo về bong bóng bất động sản”
Chủ tịch HIệp hội bất động sản Nguyễn Trần Nam đề cập, năm 2017 khiến Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ quan tâm, có phần lo ngại về những dấu hiệu phát triển quá nóng, khả năng bong bóng, gây bất lợi cho nền kinh tế đất nước của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông Nam quả quyết có thể yên tâm vì diễn biến của thị trường trong năm 2 năm qua thể hiện bước phát triển đúng hướng, lành mạnh và tích cực.
Năm 2017, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với 2016. Trên thị trường HN, TPHCM, năm 2016 có trên 40.000 giao dịch thành công thì 2017 có 64.000 giao dịch. Con số tăng đáng kể, theo ông Nam, chứng tỏ sự thu hút và sức thanh khoản trên thị trường bất động sản rất tốt. Trong khi đó, giá cả nhà đất lại chỉ tăng 5%, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội có tính thanh khoản rất lớn.
Ông Nam dẫn đánh giá của Hiệp hội BĐS Thái Lan, các dự án tại Việt Nam trung bình đều bán hết hàng trong vòng 23 tháng, các khu nhà giá rẻ thậm chí còn hết hàng trong vòng 6 tháng.
Con số khác đo đếm “sức khoẻ” ngành là hết 2017, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm 6% trong số dư nợ của toàn bộ nền kinh tế, có xu hướng giảm đi. So với giai đoạn trước, thông thường, tăng trưởng dư nợ bất động sản thường gấp dưới tăng trưởng dư nợ tín dung chung của cả nền kinh tế thì hiện tại, diễn biến trên thị trường có xu hướng đảo ngược.
Ông Nam cho rằng, điều đó cho thấy điều hành tín dụng cho lĩnh vực này chặt chẽ, an toàn hơn rất nhiều so với trước. Giới hạn dư nợ tín dụng an toàn cho thị trường, theo ông Nam là 10%. So với mức 6% thực tế hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng có thể đưa mức dư nợ rót vào khu vực này lên 8% vẫn đảm bảo an toàn.