Thư tín dụng là gì ?

Nội Dung Chính

Thư tín dụng là gì?

Trong các điều khoản của hợp đồng xuất khẩu, thanh toán là một trong những điều khoản cơ bản và các nhà xuất nhập khẩu cần phải chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp để đảm bảo các quyền lợi của chính mình. Các hình thức thanh toán quốc tế bao gồm chuyển tiền (T/T), ghi sổ (open account), nhờ thu (collection), thư tín dụng (letter of credit)…

Thư tín dụng (Letter of credit – L/C) là một văn bản pháp lý được phát hành bởi một tổ chức tài chính (thông thường là ngân hàng), nhằm cung cấp một sự bảo đảm trả tiền cho một người thụ hưởng hoặc chấp nhận hối phiếu do người này kí phát trong phạm vi số tiền đó trên cơ sở người thụ hưởng phải đáp ứng các điều khoản trong thư tín dụng.

Điều này có nghĩa là: Khi một người thụ hưởng hoặc một ngân hàng xuất trình (đại diện của người thụ hưởng) thỏa mãn ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận trong khoảng thời gian có hiệu lực của L/C (nếu có) những điều kiện sau đây:

  • Các chứng từ cần thiết thỏa mãn điều khoản và điều kiện của L/C. Chẳng hạn như: vận đơn(bản gốc và nhiều bản sao), hóa đơn lãnh sự, hối phiếu, hợp đồng bảo hiểm…v.v
  • Các thông lệ trong UCP và hoạt động ngân hàng quốc tế.
  • Các thông lệ của ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận (nếu có).
  • Nói một cách ngắn gọn, một thư tín dụng là:
  • Một loại chứng từ thanh toán
  • Do bên mua (hoặc bên nhập khẩu) yêu cầu mở.
  • Liên lạc thông qua các kênh ngân hàng.
  • Được trả bởi ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận thông qua ngân hàng thông báo (advising bank tại nước người thụ hưởng) trong một khoảng thời gian xác định nếu đã xuất trình các loại chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều kiện, điều khoản.

Các bên tham gia

Qua khái niệm thư tín dụng, chúng ta có thể thấy các bên tham gia trong thư tín dụng gồm:

  • Người xin mở L/C (Applicant): thông thường là người mua hay là tổ chức nhập khẩu.
  • Người hưởng lợi (Benificiary): là người bán hay người xuất khẩu hàng hóa.
  • Ngân hàng mở hay ngân hàng phát hành thư tín dụng (The issuing bank): là ngân hàng phục vụ người nhập khẩu, ở bên nước người nhập khẩu, cung cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu và là ngân hàng thường được hai bên nhập khẩu và xuất khẩu thỏa thuận, lựa chọn và được quy định trong hợp đồng thương mại. Nếu chưa có sự quy định trước người nhập khẩu có quyền lựa chọn.
  • Ngân hàng thông báo thư tín dụng (The advising bank): là ngân hàng phụcvụ người xuất khẩu, thông báo cho người xuất khẩu biết thư tín dụng đã mở.Ngân hàng này thường ở nước người xuất khẩu và có thể là ngân hàng chi nhánh hoặc đại lý của ngân hàng phát hành thư tín dụng.

Các bên tham gia

  • Ngoài ra, còn có thể có các ngân hàng khác tham gia vào phương thức thanh toán này:
  • Ngân hàng xác nhận (The confirming bank): là ngân hàng xác nhận trách nhiệm của mình sẽ cùng ngân hàng mở thư tín dụng, bảo đảm việc trả tiền cho người xuất khẩu trong trường hợp ngân hàng mở thư tín dụng không đủ khả năng thanh toán. Ngân hàng xác nhận có thể vừa là ngân hàng thông báo thư tín dụng hay là một ngân hàng khác do người xuất khẩu yêu cầu. Thường là một ngân hàng lớn, có uy tín trên thị trường tín dụng và tài chính quốc tế.
  • Ngân hàng thanh toán (The paying bank): có thể là ngân hàng mở thư tín dụng hoặc có thể là ngân hàng khác được ngân hàng mở thư tín dụng chỉ định thay mình thanh toán trả tiền hay chiết khấu hối phiếu cho người xuất khẩu.
  • Ngân hàng thương lượng (The negotiating bank) : Là ngân hàng đứng ra thương lượng cho bộ chứng từ và thường cũng là ngân hàng thông báo L/C. Trường hợp L/C qui định thương lượng tự do thì bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể là ngân hàng thương lượng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp L/C qui định thương lượng tại một ngân hàng nhất định.
  • Ngân hàng chuyển nhượng (The transferring bank), Ngân hàng chỉ định (The nominated bank), Ngân hàng hoàn trả (The reimbursing bank), Ngân hàngđòi tiền (The claiming bank), Ngân hàng chấp nhận (The accepting bank), Ngân hàng chuyển chứng từ (The remitting bank). Tất cả được giao trách nhiệm cụ thể trong thư tín dụng.

Các loại thư tín dụng (L/C)

Trong thanh toán quốc tế thường thấy các loại thư tín dụng thương mại sau:

  • Thư tín dụng không thể hủy bỏ (Irrevocable Letter of Credit): Là loại thư tín dụng sau khi đã mở ra thì ngân hàng mở L/C không được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ trong thời hạn hiệu lực của nó, trừ khi có sự thỏa thuận khác của các bên tham gia thư tín dụng. Đây là loại thư tín dụng được áp dụng rộng rãi nhất trong thanh toán quốc tế và là loại L/C cơ bản nhất.
  • Thư tín dụng không thể hủy bỏ có xác nhận (Confirmed Irrevocable L/C): Là loại thư tín dụng không thể hủy bỏ được một ngân hàng khác xác nhận đảm bảo trả tiền theo yêu cầu của ngân hàng mở L/C. Do có hai ngân hàng đứng ra cam kết trả tiền cho người xuất khẩu nên đây là loại đảm bảo nhất cho người xuất khẩu.
  • Thư tín dụng không thể hủy bỏ, miễn truy đòi (Irrevocable without recourse L/C): Là loại L/C mà sau khi người xuất khẩu đã được trả tiền thì ngân hàng mở L/C không còn quyền đòi lại tiền người xuất khẩu trong bất cứ trường hợp nào. Khi sử dụng loại này, người xuất khẩu phải ghi câu “miễn truy đòi người ký phát” lên hối phiếu và trong L/C. Loại này cũng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế.

Các loại thư tín dụng (L/C)

  • Thư tín dụng chuyển nhượng (Transferable L/C): Là thư tín dụng không thể hủy bỏ trong đó quy định quyền của người hưởng lợi thứ nhất có thể yêu cầu ngân hàng mở L/C chuyển nhượng toàn bộ hay một phần số tiền của L/C cho một hay nhiều người khác. L/C chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng một lần. Chi phí chuyển nhượng thường do người hưởng lợi đầu tiên chịu.
  • Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving L/C): Là loại L/C không thể hủy bỏ sau khi sử dụng xong hoặc đã hết thời hạn hiệu lực thì nó lại tự động có giá trị như cũ và cứ như vậy nó tuần hoàn cho đến khi nào tổng giá trị hợp đồng được thực hiện. Thư tín dụng tuần hoàn cần ghi rõ ngày hết hiệu lực cuối cùng và số lần tuần hoàn và giá trị tối thiểu của mỗi lần đó. Nếu việc tuần hoàn căn cứ vào thời hạn hiệu lực trong mỗi lần tuần hoàn thì phải ghi rõ có cho phép số được của L/C trước cộng dồn vào những L/C kế tiếp hay không, nếu cho phép thì gọi nó là tuần hoàn tích lũy (Cumulative Revolving L/C).
  • Thư tín dụng giáp lưng (Back to back L/C): Sau khi nhận được L/C do người nhập khẩu mở cho mình hưởng, người xuất khẩu dùng L/C này để thế chấp mở một L/C khác cho người hưởng lợi khác với nội dung gần giống như L/C ban đầu, L/C mở sau gọi là L/C giáp lưng. Nói chung, L/C gốc và L/C giáp lưng giống nhau, nhưng xét riêng chúng có những điểm cần phải phân biệt về số chứng từ của L/C giáp lưng nhiều hơn L/C gốc, kim ngạch L/C giáp lưng phải nhỏ hơn L/C gốc, khoản chênh lệch này do người trung gian hưởng dùng để trả chi phí mở L/C giáp lưng và phần hoa hồng của họ, thời hạn giao hàng của L/C giáp lưng phải sớm hơn L/C gốc. Nghiệp vụ thư tín dụng giáp lưng rất phức tạp, nó đòi hỏi phải có sự kết hợp khéo léo và chính xác các điều kiện của L/C gốc và L/C giáp lưng, nhất là các vấn đề có liên quan đến vận đơn và các chứng từ hàng hóa khác.

Thư tín dụng là một hình thức thanh toán phổ biển được sử dụng trong thương mại quốc tế, giúp đảm bảo lợi ích của các bên bao gồm nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và ngân hàng.

bộ chứng từ thanh toán các hình thức thanh toán các loại lc các phương thức thanh toán hối phiếu hối phiếu trơn ngân hàng phát hành ngân hàng thanh toán ngân hàng thông báo thanh toán kèm chứng từthanh toán quốc tế thanh toán thư tín dụng
5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
090.625.1816