Ai sẽ đi tiên phong và vượt qua những chông gai khó khăn tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầy tiềm năng
Ngoài những ông lớn đã có tiếng trên thị trường như Lazada, Zalora, Chợ điện tử… thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ chưa có chủ.
Báo cáo doanh số thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo báo cáo trên, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD.
Mặt hàng hóa/dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm chiếm đến 65%, tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng.
Lượng lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 92% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 47% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 21% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán. Các website thương mại điện tử của các doanh nghiệp có doanh thu lớn đa phần thuộc nhóm website kinh doanh các mặt hàng như vé máy bay, đồ điện lạnh, thiết bị gia dụng, đồ điện tử và kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh…
Việt Nam là một thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng và màu mỡ, thói quen của người Việt đang dần thay đổi
Xu hướng internet, smartphone, 3G và thanh toán trực tuyến đã tạo cơ hội cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia tin rằng, năm 2016 sẽ là thời cơ tốt để thương mại điện tử tại Việt Nam bùng nổ, cũng như thực sự tạo nên cú hích lớn.
Với những tiềm năng này, lần lượt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, công ty khởi nghiệp tại nước ta đã nhanh chóng nhập cuộc chơi thương mại điện tử, với kỳ vọng chiếm lĩnh được thị trường, đồng thời đem về doanh thu lớn.
Điều quan trọng cho thấy thương mại điện tử Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích trong năm 2016 chính là thói quen người dùng đã thay đổi. Chỉ bằng vài cú click chuột, người dùng đã có thể sở hữu ngay một món hàng ưng ý, thay vì chen chúc mua sắm như hiện tại.
Google gần đây phân tích cho thấy, có thể tốc độ mạng internet tại Việt Nam còn chưa cao, nhưng tỷ lệ thuê bao di động lẫn tài khoản mạng xã hội trên dân số lại đạt mức lý tưởng cho hình thức thương mại điện tử phát triển.
Hiện nay Việt Nam hiện có khoảng trên 40 triệu thuê bao internet hoạt động thường nhật, trên 28 triệu tài khoản mạng xã hội, gần 130 triệu thuê bao di động. Trong số đó, cứ 10 người thì tới 8 người thường xuyên online, phần lớn là thông qua các thiết bị di động.
Thương mại điện tử đang dần thể hiện được sự quan trọng
Lợi thế và tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam đã quá rõ ràng, lợi thế của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống càng rõ ràng hơn. Bởi thương mại điện tử không chỉ giới hạn ở một vùng miền nhất định, thay vào đó, người ta hướng tới phạm vi toàn cầu.
Mọi giao dịch, thanh toán đều được thực hiện chủ yếu qua internet, nên nhà đầu tư cũng tránh được các chi phí như thuê mặt bằng, in ấn, giấy tờ. Các thông tin giảm giá, khuyến mãi, mua hàng, đặt hàng đều tới thẳng tay người dùng, ít qua trung gian.
Việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử sẽ không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian. Người ta có thể mua hàng vào giữa đêm, rạng sáng, giờ nghỉ trưa. Hàng chuyển tới tận nhà, không cần mất công đi lại, giao dịch.
Thậm chí những doanh nghiệp chưa từng làm thương mại điện tử, hoặc ngành nghề chẳng mấy liên quan tới thương mại điện tử cũng đã gia nhập cuộc chơi 2016. Lấy ví dụ như trang thương mại điện tử VnExpress Shop mới được công bố. Xuất phát điểm là tòa soạn báo điện tử, có được vị thế lớn trên thị trường internet Việt Nam, VnExpress mới đây còn mở ra thêm trang thương mại điện tử, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán đồ công nghệ như điện thoại, máy tính, phụ kiện…
Con đường của các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều khó khăn và chông gai
Việc kinh doanh thương mại điện tử như tập thái cực quyền. Nếu nôn nóng, đòi đánh nhanh, mạnh ngay từ đầu, rất có thể “tiền tấn cũng đi” – chuyên gia nhận định. Coi vốn là yếu tố tiên quyết để thành công, đại diện một hệ thống TMĐT có doanh thu top đầu thị trường từ năm 2013 cho rằng, việc tung vốn khủng mà nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần thì cũng đáng.
Nhưng ý kiến này không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia TMĐT tại Việt Nam. Như cách nói của ông Nguyễn Hòa Bình, TGĐ Peacesoft: “Khách Việt vốn rất linh hoạt trong lựa chọn kênh mua sắm. Rẻ thì họ tới, đắt họ lại đi. Vậy tung tiền trợ giá để hút khách, chiếm thị phần rồi tới khi hết tiền thì sẽ làm gì?”.
Thực tế cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là hạ tầng thanh toán. Dù lượng thẻ thanh toán đang lưu hành tại Việt Nam đã đạt khoảng 70 triệu thẻ, cung cấp bởi hơn 67 ngân hàng, nhưng con số này thực tế vẫn thấp.
Do chính người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi mua hàng không được chọn tận tay, hoặc lo sợ về vấn đề bảo mật thông tin khi tham gia thanh toán trực tuyến. Lượng người dùng chuộng giao dịch trực tuyến đã tăng nhưng vẫn chưa cao bằng giao dịch tiền mặt.
Việc sản phẩm dịch vụ chất lượng kém so với quảng cáo cũng là một trở ngại lớn, người dùng mua hàng luôn sợ bị lừa, hoặc không đúng với quảng cáo.