Vi phạm trong hợp đồng thương mại, chế tài xử phạt ?

Vi phạm trong hợp đồng thương mại, chế tài xử phạt ra sao ?

       Phạt vi phạm là một trong các loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nó có  ý nghĩa như một biện pháp trừng phạt, răn đe, phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Khi đàm phán cũng như soạn thảo hợp đồng, các bên cần đưa điều khoản này trong hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên để tránh các điều đáng tiếc không hay xảy ra trong hợp đồng.

      Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với điều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị nghĩa vụ hợp đồng  bị vi phạm”. Để hiểu một cách toàn diện và chính xác quy định này chúng ta đi vào ví dụ cụ thể sau:

Ngày 20/12/ 2014 Công ty TNHH Ánh Sáng ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Cổ phần Mây Xanh. Theo nội dung của hợp đồng thì các bên thỏa thuận như sau: Công ty Ánh Sáng thỏa thuận mua 100 tấn Cafe nhân đã qua sơ chế của Công ty Mây Xanh với giá 04 tỷ đồng Việt Nam. Bên Công ty Ánh Sáng có trách nhiệm giao hàng theo 02 đợt, đợt 1 là 50 tấn vào ngày 05/01/2015; đợt hai giao 50 tấn còn lại vào ngày 16/01/2015. Các bên thỏa thuận phạt vi phạm với mức 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Ngày 05/01/2015 Công ty Mây Xanh giao hàng đúng hẹn cho Công ty Ánh Sáng theo thỏa thuận, nhưng ở lần giao hàng thứ hai là ngày 16/01/2015 Công ty Mây Xanh đã không huy động đủ hàng để giao đúng hẹn cho Công ty Ánh Sáng. Sau các cuộc thương lượng không thành, hai bên đưa các bên tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án và Công ty Ánh Sáng yêu cầu Công ty Mây Xanh phải nộp phạt vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Với trường hợp này, mức phạt vi phạm chỉ bằng 8% phần nghĩa vụ giao hàng lần 2 là 50 tấn Cafe tương ứng với 8% của 02 tỷ.

Cũng ở ví dụ này, nhưng nhiều người cho rằng quy định phạt 8% là của toàn bộ giá trị hợp đồng, hiểu như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật. Cũng với ví dụ trên nhưng đổi lại các bên chỉ thỏa thuận giao toàn bộ hàng trong 01 lần vào ngày 05/01/2015. Nếu Công ty Mây Xanh không giao hàng đúng hạn cho Công ty Ánh Sáng thì lúc này câu chuyện lại thay đổi theo một hướng khác. Trường hợp này mức phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm cũng chính là 8% giá trị toàn bộ hợp đồng. Mức phạt vi phạm sẽ là 8% của 04 tỷ theo như các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu trong hợp đồng các bên không thỏa thuận phạt thì khi có vi phạm xảy ra, bên bị vi phạm sẽ không thể áp dụng chế tài phạt hợp đồng để buộc bên vi phạm phạm phải gánh trách nhiệm vật chất do hành vi vi phạm hợp đồng được. Vì thế, để nâng cao trách nhiệm thực hiện hợp đồng, khi soạn thảo, cũng cần thiết phải đưa điều khoản này vào hợp đồng.

Vấn đề phạt vi phạm và thỏa thuận phạt vi phạm luôn gắn liền với quyền và lợi ích của các bên trong mọi hợp đồng. Phạt vi phạm trong hợp đồng thể hiện niềm tin pháp lý cho các bên, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần xây dựng mối quan hệ với đối tác được lâu dài, bền vững và cùng có lợi. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng các bên cần lưu ý đưa điều khoản phạt vi phạm vào hợp đồng để quyền lợi cũng như nghĩa vụ được đảm bảo.

5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
090.625.1816