Các thách thức với ngành Logistics tại Việt Nam trong năm 2017 ?
Hàng nghìn công ty dịch vụ logistics hiện chỉ đang thực hiện một vài hoạt động đơn giản trong logistics và chưa gia tăng giá trị trên toàn chuỗi qua các hoạt động logistics mang tính giải pháp hay phức tạp.
Hai nhân tố trọng yếu cần quản trị tốt trong bất cứ khâu logistics nào là hoạt động lưu trữ hàng hóa và dòng lưu chuyển hàng hóa. Và ba tiêu chí hàng đầu trong quản trị logistics nói chung là tốc độ phải nhanh, mức độ tin cậy phải có, chi phí phải thấp.
Theo ông Julien Brun, Tổng Giám đốc CEL Consulting, để tạo điều kiện phát triển logistics tại Việt Nam, cần làm tốt các yếu tố cốt lõi để thành công thuộc cả phần cứng và phần mềm.
Phần cứng chính là hạ tầng logistics, bao gồm phát triển và củng cố năng lực hệ thống cảng để có thể tiếp nhận tàu lớn hơn và trang thiết bị xử lý bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng được nhanh hơn. Song song với việc phát triển củng cố năng lực hệ thống cảng và nâng cao tính hiệu quả trong vận hành tại cảng qua việc cải thiện qui trình hoạt động, hệ thống đường kết nối với cảng cũng cần làm tốt để tránh tình trạng đã xảy ra với cảng nước sâu Cái Mép.
Các yếu tố cốt lõi để thành công thuộc phần mềm bao gồm hoạt động thông quan nhanh chóng và rõ ràng như e-custom thực hiện gần đây. Singapore dẫn đầu về vận hành cảng hiệu quả bằng cách làm tốt qui trình vận hành và thông quan để học tập.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cũng cần chú ý khai thác việc gia tăng giá trị trên chuỗi bằng cách tăng thêm nhiều giá trị cộng thêm hơn cho sản phẩm thay vì chỉ đơn thuần xuất khẩu thô hay sơ chế như hiện nay. Từ đó, sẽ giúp tăng giá trị cho vận hành logistics trong xuất nhập khẩu.
Thị trường logistics hiện tại mang tính phân mảng rất cao. Hàng ngàn công ty dịch vụ logistics hiện tại chỉ đang thực hiện một vài hoạt động đơn giản trong logistics và chưa gia tăng giá trị trên toàn chuỗi qua các hoạt động logistics mang tính giải pháp hay phức tạp.
Trong khi đó, một chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào hoạt động kết nối giữa các điểm, hoạt động khác nhau trên chuỗi, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động tương tác.
Chẳng hạn, trong chuỗi cung ứng kem ở Việt Nam. Công ty vận chuyển chỉ lo phần giữ lạnh trong xe khi vận chuyển và công ty kho lạnh chỉ lo phần giữ lạnh khi sản phẩm đã nằm bên trong kho lạnh, và không có ai đứng ra đảm bảo phần giữ lạnh lúc chuyển kem trên đoạn đường từ trong xe và chờ nhập vào kho lạnh. Quá trình này đã làm ảnh hưởng tới chất lượng và điều kiện hàng hóa.
Trong tương lai, logistics cần đảm bảo điều kiện, chất lượng sản phẩm xuyên suốt quá trình từ nhà sản xuất khi đến tay người tiêu dùng cuối. Hoạt động logistics tương lai chắc chắn cần phải tăng khả năng nhìn rõ tình trạng hàng hóa theo thời gian thực “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu” thông qua ứng dụng dữ liệu, theo dõi thời gia thực…
Việc đóng gói hàng hóa trong thời gian tới cũng cần có giải pháp cải tiến để bảo vệ hàng hóa trong suốt hoạt động logistics. Bởi hiện nay như trong ngành nông nghiệp, tỷ lệ hàng hóa bị hư, bể vỡ, trầy xước chiếm khoảng 20-30%, gây lãng phí và thiệt hại trong kinh doanh.
Trong thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến nhiều giải pháp logistics tận dụng sự nhàn rỗi và ứng dụng công nghệ để tổng hợp các nguồn lực nhỏ lẻ lại và cùng cung cấp giải pháp cho 1 loại công việc. Công nghệ có thể là nhân tố thay đổi bối cảnh logistics trong thời gian tới.
Cuối cùng, để phát triển logistics tương lai ở Việt Nam, các công ty, chủ doanh nghiệp cần có chiến lược, tầm nhìn tổng thể, hợp tác với toàn bộ các nhân tố, đối tác liên quan trên toàn chuỗi giá trị hơn để cùng nhau đạt được lợi ích và giá trị to lớn hơn.