Ngày 1/1/2009, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Ngay sau đó, tổ chức tư vấn AT Ke-ni (Mỹ) công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn thứ 3 thế giới.
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020.
Năm 2011, quy mô thị trường bán lẻ đạt 29 tỷ USD. năm 2016, con số này sẽ đạt 37 tỷ USD (theo dự báo của Euromonitor).
Những con số trên đã và đang cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong những năm vừa qua, hàng loạt tên tuổi quốc tế như Big C, Lotte, đã tham gia cuộc đua tranh giành nhau chiếc bánh thị phần đang ngày càng nở rộng. Mảng doanh nghiệp trong nước cũng ngày một tích cực tham gia cuộc đua này thông qua việc tăng tốc huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở bán hàng.
Điều này cho thấy một thị trường cực kì tiềm năng cho các doanh nghiệp Logistics (nhất là các doanh nghiệp Logistics trong nước) nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong mảng phân phối nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động, các hệ thống bán lẻ luôn gặp phải vấn đề về hàng tồn trung tâm phân phối. Lượng hàng tồn trung tâm phân phối quá lớn so với nhu cầu thực tế làm phát sinh nhiều vấn đề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống. Tương tự dòng chảy của nước, dòng chảy hàng hóa cũng di chuyển từ nơi có nhiều hàng hóa đến nơi có ít hàng hóa. Trong trường hợp này, chênh lệch giữa lượng hàng luân chuyển từ trung tâm phân phối đến cửa hàng với khả năng tiếp nhận hàng hóa của cửa hàng sẽ tạo ra dòng chảy ngược, đưa hàng hóa từ cửa hàng trở về trung tâm phân phối. Nếu xem hệ thống bán lẻ là một cơ thể sống, thì hàng hóa là dòng máu nuôi cơ thể và trung tâm phân phối chính là trái tim đẩy máu đi suốt cơ thể đó. Nếu lượng máu tăng lên quá cao, gây sức ép lớn đến hoạt động của trái tim thì cơ thể sẽ phải gặp nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe.
Giải quyết vấn đề hàng tồn trung tâm phân phối từ trong giai đoạn đầu mới hình thành của hệ thống bán lẻ được xem là vấn đề tối quan trọng đối với sự ổn định trong hoạt động của toàn chuỗi. Doanh nghiệp Logistics nào có thể giải quyết triệt để vấn đề này, năng lực cạnh tranh sẽ được nâng cao mạnh mẽ so với các đối thủ khác trên bàn đàm phán hợp đồng với khách hàng.
Dựa trên những kiến thức được truyền dạy cùng với kinh nghiệm làm việc thực tế của công ty Bestcargo hy vọng có thể thông qua những thông tin về hoạt động xử lý dòng chảy ngược của hàng hóa được trình bày giúp người đọc nắm bắt được các điểm cơ bản về một trong các vấn đề lớn của hoạt động Logistics – dòng Logistics ngược.